Diễn biến Khủng hoảng con tin Iran

Một tiêu đề trong một tờ báo của đảng Cộng hòa Hồi giáo vào ngày 5 tháng 11 năm 1979, đã đọc "Cuộc cách mạng chiếm đóng Đại sứ quán Hoa Kỳ".

Bắt cóc con tin

Ngày 4/11/1979, các sinh viên tham gia cách mạng Iran tấn công Đại sứ quán Mỹ tại Tehran, bắt giữ hàng chục nhân viên ngoại giao Mỹ làm con tin. Hàng nghìn người phản đối tập trung bên ngoài khu nhà, đáp ứng lời kêu gọi của giáo chủ Khomeini tấn công các lợi ích của Mỹ và Israel.[17]

Trong số 90 người ở trong khu nhà, 6 người Mỹ trốn sang các sứ quán khác. Những người không mang quốc tịch Mỹ được phóng thích. Tuy nhiên, 66 người tiếp tục bị giam giữ.[16]

Các sinh viên dẫn những con tin bị bịt mắt tới trước ống kính máy ảnh để làm nhục "Quỷ ma vương" - hình ảnh của Washington trong mắt nhiều nhà lãnh đạo cách mạng Iran. Công chúng Mỹ choáng váng và mất tinh thần trước những hình ảnh này.[16]

Iran yêu cầu Washington trục xuất cựu vương Shah, người đang ở Mỹ để điều trị ung thư sau khi bị lật đổ.[16]

Tuy nhiên, để có thể ký thỏa thuận kể trên, Mỹ và Iran đã phải trải qua khá nhiều thăng trầm. Sau khi bắt 66 công dân Mỹ làm con tin hôm 4-11-1979 tại Đại sứ quán Mỹ ở Tehran, và để chứng tỏ thiện chí, ngày 17-11-1979, lãnh tụ Iran Ayatollah Ruhollah Khomeini đã ra lệnh phóng thích con tin nữ và người Mỹ gốc Phi, chỉ để lại 52 con tin.[16]

Động thái của Mỹ

Wikisource tiếng Việt có toàn văn tác phẩm về:

Giải thoát con tin trở thành ưu tiên của chính quyền Jimmy Carter. Tuy nhiên, Washington không thể có biện pháp nào ngoài trừng phạt kinh tế đối với Iran.[17]

Phía Mỹ sử dụng nhiều biện pháp đấu tranh ngoại giao nhằm yêu cầu Tehran trả tự do cho công dân nhưng bất thành. Tình thế bắt buộc khiến Tổng thống Mỹ quyết định đưa biệt kích Delta vào thủ đô Iran nhằm giải cứu con tin. Chiến dịch phức tạp kéo dài hai đêm, với sự tham gia của không quân, hải quân, lục quân và lính thủy đánh bộ Mỹ.[18]

Kế hoạch giải cứu con tin

Một cuộc biểu tình chống Iran ở Washington, D.C., vào năm 1979. Phía trước của biển báo ghi "Trục xuất tất cả người Iran" và "Biến khỏi đất nước tôi", và mặt sau viết: "Hãy thả tất cả người Mỹ ngay lập tức".

Nhằm chuẩn bị cho chiến dịch phức tạp mang tính lịch sử, Mỹ cử Thiếu tướng Lục quân James B. Vaught làm tổng chỉ huy. Trong chiến đấu, đại tá James H. Kyle chỉ huy không quân, Trung tá Edward R. Seiffert chỉ huy các đội trực thăng và Đại tá Charlie Beckwith chỉ huy lực lượng đặc nhiệm Delta, những người trực tiếp tham gia chiến đấu. Ngoài ra, Cơ quan tình báo Trung ương Mỹ (CIA) cũng tham gia chiến dịch trong vai trò cung cấp thông tin.[18]

Ngày 1/4/1980, Mỹ đưa chuyên viên xuống sân bay bỏ hoang ở tỉnh South Khorasan để khảo sát và biến nó thành bãi đáp đầu tiên (Desert One) của phi đội tấn công. Người ta lắp đèn hồng ngoại trên các đường băng để giúp phi công hạ cánh trong đêm. Người ta không thể quan sát ánh sáng phát ra từ loại đèn này bằng mắt thường nhưng dễ dàng thấy nó nhờ các thiết bị chuyên dụng.[18]

Trong đêm đầu tiên, không quân Mỹ đưa xuống Desert One 6.000 lít nhiên liệu cùng lực lượng bảo vệ bằng những chiếc EC-130 của không quân. Mỹ cũng cử 3 chiếc EC-130E để chuyên chở các thành viên Delta và 3 chiếc MC-130E phục vụ hậu cần. Ngoài ra, 8 chiếc Sikorsky CH-53D Sea Stallion sẽ từ tàu sân bay USS Nimitz vào điểm hẹn đầu tiên trước khi tiếp nhiên liệu để đưa biệt kích tới điểm hẹn thứ hai (Desert Two).[18]

Đêm thứ hai, mật vụ CIA sẽ chờ sẵn ở Desert Two để đưa biệt kích Mỹ vào Tehran. Desert Two là những hầm khai thác muối mỏ cũ nằm cách Tehran 80 km. Các máy bay Mỹ sẽ được cất giấu tại đây trong khi biệt kích Mỹ tiến hành giải cứu con tin. Ngoài ra, một nhóm khác sẽ cắt điện toàn khu vực nhằm giảm thiểu khả năng phản ứng nhanh của quân đội Iran.[18]

Theo kế hoạch, Delta sẽ tấn công Đại sứ quán Mỹ, giải cứu con tin và đưa họ tới sân vận động Shahid Shiroudi, nơi trực thăng dễ dàng thực hiện việc sơ tán. Cùng thời điểm, một nhóm khác sẽ chiếm căn cứ không quân Manzariyeh ở khu vực lân cận, nơi đường băng đủ dài cho những chiếc C-141 Starlifters hạ cánh để sơ tán công dân tới vùng lãnh thổ thân thiện. Phi đội phản lực chiến đấu trên tàu sân bay USS Nimitz và USS Coral Sea sẵn sàng tiếp viện và hộ tống máy bay chở con tin và biệt kích rời khỏi Iran.[18]

Quá trình giải cứu

Các máy bay C-130 chở thiết bị và nhiên liệu tới điểm hẹn đầu tiên đúng theo kế hoạch sau khi cất cánh từ đảo Masirah, Iran. Tuy nhiên, đường băng bị cát lún phủ dày khiến máy bay Mỹ gặp trục trặc lúc hạ cánh. Tuy nhiên, chúng được sửa chữa và có thể hoạt động trở lại sau khi tiếp đất. Các máy bay hậu cần tiếp tục hạ cánh thành công. Khi đó, điểm hẹn 1 có 120 đặc nhiệm Delta, 15 người Iran hoặc người Mỹ gốc Ba Tư, chủ yếu đảm trách nhiệm vụ lái xe tải.[18]

Phi đội 8 chiếc CH-53D cất cánh tới điểm hẹn từ tàu sân bay USS Nimitz. Tuy nhiên, chiếc số 6 nứt cánh nên bị bỏ lại trong sa mạc nên chiếc số 8 phải dừng lại để chở phi hành đoàn của nó. Phi đội này tiếp tục gặp bão cát nên chiếc số 5 phải quay trở lại vì hỏng hóc. Chiếc số 2 tới được điểm hẹn nhưng bị hỏng hệ thống thủy lực.[18]

Khi sẵn sàng di chuyển tới điểm hẹn số 2, phía Mỹ chỉ còn 6 chiếc CH-53D có thể hoạt động. Đây là mức tối thiểu mà quân đội Mỹ phải duy trì nếu muốn tiếp tục nhiệm vụ. Chỉ huy lực lượng trực thăng không chấp thuận sử dụng chiếc CH-53D số 2 trong khi chỉ huy lực lượng Delta bỏ qua thông tin tình báo của Canada, quyết định giữ nguyên số lượng biệt kích. Họ tới điểm dừng chân số 2 với 6 chiếc CH-53D.[18]

Trong thời gian dừng chân ở điểm đỗ số 2, thêm một chiếc CH-53D va chạm với máy bay tiếp nhiên liệu EC-130 khiến cả hai chiếc nổ tung. Theo thống kê chính thức, 8 người thiệt mạng bao gồm 5 phi công của không quân Mỹ và 3 phi công điều khiển trực thăng. Chỉ một phi công lái trực thăng sống sót trong vụ tai nạn.[18]

Tuy nhiên, vụ nổ khổng lồ ở gần thủ đô Tehran khiến số lượng lớn binh sĩ dồn về khu vực này. Trong bối cảnh nguy cấp, tất cả biệt kích và đội hậu cần của Mỹ đã lên máy bay EC-130 để rời khỏi khu vực. Họ tháo chạy vội vàng tới mức không kịp phân loại tài liệu và hủy những chiếc máy bay trực thăng, vốn gần như còn nguyên vẹn.[18]

Chiến dịch thất bại

Khi các máy bay Mỹ chuẩn bị rút đi, một chiếc trong số đó đâm vào chiếc C-130 chở nhiên liệu và quân lính, phá hủy chiếc máy bay và khiến 8 quân nhân Mỹ thiệt mạng. Trong cơn hoảng loạn sau đó, tất cả những máy bay còn lại bị bỏ rơi, chứ không bị phá hủy, rồi sau đó trở thành tài sản của Iran (một số vẫn còn phục vụ trong Hải quân Iran cho đến ngày nay).[15]

Chiến dịch Móng vuốt đại bàng sụp đổ hoàn toàn, khiến Mỹ mất mặt với cả thế giới và cũng đóng góp cho thất bại của Tổng thống Carter trong cuộc bầu cử tổng thống năm 1980.[15]

Xảy ra chưa đầy 1 thập kỷ sau thất bại của Mỹ ở Việt Nam, chiến dịch Móng vuốt đại bàng bị coi là một bằng chứng nữa cho thấy nước Mỹ chỉ là “gã khổng lồ đáng thương” với gánh nặng là một quân đội thiếu năng lực.[15]

Trong số 5 chiếc trực thăng bị bỏ lại có một chiếc bị hư hại nhẹ trong khi 4 chiếc còn khá nguyên vẹn. Hiện tại, Hải quân Iran đang sử dụng chiếc CH-53D số 2 và số 8 mà biệt kích Mỹ bỏ lại. Nhà nước Hồi giáo cũng thu toàn bộ tài liệu mật của Mỹ về chiến dịch giải cứu con tin táo bạo.[18]

Nhà Trắng công bố chiến dịch thất bại đầu giờ chiều ngày hôm sau. Phía Iran phân tán các con tin ra khắp đất nước nhằm tránh một chiến dịch đột kích thứ hai. Quân đội nhà nước Cộng hòa Hồi giáo Iran tìm thấy 9 thi thể, bao gồm một thường dân Iran và 8 người Mỹ sau cuộc đột kích. Phía Iran cũng rêu rao về thất bại của Mỹ và phóng thích toàn bộ 52 con tin ngày 20/1/1981, vài phút sau khi ông Jimmy Carter kết thúc nhiệm kỳ. Tổng thống Carter không thể thực hiện cam kết giải cứu con tin Mỹ trong nhiệm kỳ của mình.[18]

Khủng hoảng kết thúc

Phó Tổng thống H. W. Bush và tùy tùng chào đón các con tin về nước

Tháng 7 năm 1980, cựu hoàng Iran qua đời vì ung thư ở Ai Cập.[19]

Với sự hỗ trợ của các trung gian người Algeria, Hoa Kỳ và Iran đã bắt đầu đạt được các cuộc đàm phán thành công. Vào ngày diễn ra lễ nhậm chức của Reagan, Mỹ đã giải phóng gần 8 tỷ USD tài sản bị đóng băng của Iran. Ngày Ronald Reagan nhậm chức 20/1/1980, các con tin được trả tự do sau 444 ngày.[17] Ngày hôm sau, cựu Tổng thống Jimmy Carter đã bay sang Tây Đức để chào đón những người Mỹ trên đường trở về nhà.[19]

Liên quan

Tài liệu tham khảo

WikiPedia: Khủng hoảng con tin Iran http://www.airforce-magazine.com/MagazineArchive/D... http://www.avenueofflags.com http://bangordailynews.com/2009/11/05/news/mainer-... http://www.cbsnews.com/stories/2001/01/19/iran/mai... http://www.csmonitor.com/2006/0627/p17s01-bogn.htm... http://www.findagrave.com/cgi-bin/fg.cgi?page=gr&G... http://www.historyguy.com/iran-us_hostage_crisis.h... http://irannegah.com/video_browse.aspx?keyword=hos... http://jahannews.com/vdcf1cd0jw6deca.igiw.html http://articles.latimes.com/2005/jul/16/local/me-s...